Trong thời đại hội nhập quốc tế, du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn và ngày càng có nhiều đóng góp lớn vào tăng trưởng GDP của Việt Nam. Hãy cùng nhìn lại tình hình du lịch Việt Nam năm 2018 với những thành tựu rất đáng tự hào mà đất nước ta đã gặt hái trong bài viết dưới đây.
Việt Nam tự hào là một đất nước được thiên nhiên ưu ái ban tặng vô vàn cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, từ núi cao đến sông ngòi, biển khơi, từ đất liền ra hải đảo… Trên mỗi tỉnh thành, mỗi địa danh của Việt Nam đều sở hữu những thế mạnh về cảnh quan có tiềm năng khai thác phát triển du lịch.
Nhờ sự quan tâm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ cũng như sự chung tay đầu tư và tầm nhìn của các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn, du lịch Việt Nam trong những năm qua luôn đạt mức tăng trưởng dương. Số lượng du khách quốc tế đến tham quan Việt Nam ngày càng đông đảo; mặt khác, số lượng du khách nội địa cũng có những chuyển biến tích cực do đời sống nhân dân được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng kéo theo mức sống, mức hưởng thụ cũng tăng lên đáng kể.
Tình hình du lịch Việt Nam 2018 và những thành tựu
Năm 2018, du lịch Việt Nam gặt hái nhiều quả ngọt với mức tăng trưởng vượt bậc so với năm 2017, tạo tiền đề cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế nước ta. Điều này được minh chứng qua những sự kiện và những con số cụ thể dưới đây.
Lập kỷ lục trên 15 triệu lượt du khách quốc tế
Năm 2018, du lịch Việt Nam ước tính đón 15,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 20% so với năm 2017 – cao nhất trong lịch sử ngành du lịch Việt Nam tại thời điểm đó; đồng thời đón trên 80 triệu lượt khách nội địa. Tổng nguồn thu từ khách du lịch vượt trên 620 nghìn tỷ đồng.
Các tỉnh/thành là trung tâm du lịch lớn của cả nước có thể kể tới là: thủ đô Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh, thành phố Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh… có tốc độ tăng trưởng hàng đầu; số lượng phòng khách sạn 4 – 5 sao tăng cao.
Hàng loạt giải thưởng, xếp hạng và công nhận
Năm 2018, Việt Nam xếp thứ 3 trong top 10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất trên thế giới do Tổ chức Du lịch Thế giới (World Tourism Organization) bình chọn, tăng liền 3 bậc so với năm 2017. Việt Nam cũng được công nhận là điểm đến hàng đầu châu Á tại lễ trao giải Du lịch thế giới (World Travel Awards).
3 thành phố lớn của Việt Nam là thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Hạ Long lần lượt ghi danh trong top 100 thành phố được ghé thăm nhiều nhất thế giới. Tạp chí Travel + Leisure đã xếp hạng Hội An là một trong 15 địa điểm đáng ghé thăm nhất thế giới. Ngày 24/11/2018, Công viên địa chất Non nước tỉnh Cao Bằng vinh dự được UNESCO công nhận là Công viên địa chất toàn cầu.
Bên cạnh đó, cái tên Việt Nam cũng được nhắc tới rất nhiều trên các bảng xếp hạng du lịch bởi các hãng truyền thông hoặc các tạp chí chuyên trang du lịch quốc tế khác.
Sự ra đời của Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch
Việc thành lập một quỹ dành riêng cho công tác xúc tiến du lịch đã từng được đề cập trong Luật Du lịch 2005. Tháng 12/2018, Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch chính thức được thành lập, với mới được thành lập, với tên gọi Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngoài 300 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, quỹ còn được bổ sung hàng năm từ 10% phí visa, 5% phí tham quan, các khoản tài trợ, đóng góp tự nguyện và hợp pháp của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Việc thành lập quỹ này được coi là một trong những bước đệm quan trọng để Việt Nam có những bước nhảy vọt trong phát triển dịch vụ du lịch.
Tổ chức thành công các sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch quy mô lớn
Một số sự kiện xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam nổi bật trong năm 2018 có thể kể đến như:
- Năm Du lịch quốc gia Quảng Ninh 2018 với trọng tâm quảng bá du lịch kỳ quan, danh thắng Vịnh Hạ Long.
- 2 hội chợ du lịch có quy mô quốc tế là VITM Hanoi và ITE HCMC cũng được tổ chức thành công và gây được tiếng vang lớn
- 14 chương trình giới thiệu du lịch Việt Nam đến với bạn bè quốc tế từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Bắc Âu, Tây Âu, Canada, Mỹ, Nhật Bản,…
- Diễn đàn Du lịch Việt Nam xúc tiến đầu tư Cấp cao 2 tỉ USD vào ngày 5 và 6/12 tại Hà Nội trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.
Và hàng loạt hội thảo, lễ ký kết hợp tác, lễ vinh danh quy mô lớn khác.
Định hướng phát triển du lịch Việt Nam trong những năm tới
Theo chiến lược phát triển ngành du lịch quốc gia do Chính phủ đề ra, mục tiêu đến năm 2020, du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; tổng thu từ khách du lịch đến năm 2030 tăng gấp đôi so với năm 2020.
Ngành du lịch hướng tới mục tiêu đóng góp trên 10% tỉ trọng cơ cấu tổng thu nhập quốc nội (GDP); đón 20 triệu lượt khách quốc tế, tổng thu từ khách du lịch 35 tỷ USD vào năm 2020; giá trị xuất khẩu hàng hóa dịch vụ thông qua du lịch đạt 20 tỷ USD. Cùng với đó, ngành du lịch quyết tâm tạo ra 4 triệu việc làm cho người lao động.
Để đạt được những thành tích này, ngành du lịch cần không ngừng đổi mới và cải thiện. Dịch vụ du lịch phải mang tính chuyên nghiệp, hiện đại, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật tối tân; sản phẩm du lịch tạo ra cần có chất lượng cao, đa dạng về chủng loại, có thương hiệu và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, tăng sức cạnh tranh với các sản phẩm du lịch của các quốc gia khác trong khu vực. Công tác xúc tiến, quảng bá du lịch cần tập trung vào các khu du lịch trọng điểm, bên cạnh đó tiếp tục khai thác tiềm năng của các khu du lịch mới.
Trên đây là tổng quan tình hình du lịch Việt Nam 2018, điểm qua một số thành tựu nổi bật cũng như các định hướng phát triển của ngành du lịch trong tương lai. Cảm ơn các bạn đã đón đọc!